GIỚI THIỆU CHUNG VỀ BẢN CÁT CÁT
Bản Cát Cát là một bản làng nhỏ thuộc xã San Sả Hồ, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai. Nằm dưới chân núi Hoàng Liên Sơn. Cách Hà Nội 376km và cách trung tâm thị xã Sapa gần 4km về hướng Tây Nam. Bản làng này được xem như viên ngọc quý của Sapa. Đến đây, bạn không chỉ ngắm nhìn những nếp nhà gỗ đơn sơ, những con suối nhỏ chảy êm ả hay những tấm thổ cẩm lộng lẫy đầy sắc màu mà còn có dịp khám phá nét đẹp văn hóa của người dân tộc H’Mông gắn với mảnh đất này.
Bản làng thơ mộng
Cái tên “Cát Cát” bắt nguồn từ tiếng H’Mông. Có nghĩa là “dưới chợ”, ý chỉ thác nước dưới chợ. Nhưng cũng có cách giải thích khác, khi cho rằng người Pháp khám phá vùng đất này. Họ đã bị ấn tượng bởi một thác nước đẹp lung linh. Và trong tiếng Pháp, “thác nước” được gọi là “cascade”, phát âm giống như “cát cát”. Từ đó, ngôi làng nhỏ này có tên “Cát Cát”.
Khung cảnh hoang sơ
THỜI ĐIỂM THÍCH HỢP ĐỂ GHÉ THĂM BẢN CÁT CÁT
Bản Cát Cát có khí hậu mát mẻ. Cảnh sắc thiên nhiên nơi đây mang những vẻ đẹp riêng vào mỗi mùa trong năm. Theo kinh nghiệm của người dân bản địa và nhiều du khách, thời gian lý tưởng nhất để ghé thăm bản làng là trong khoảng tháng 4 đến tháng 10. Lúc này, khí hậu ôn hòa, ít mưa nên du khách thuận tiện di chuyển và tham quan. Bên cạnh đó, vào thời điểm này cũng diễn ra nhiều hoạt động lễ hội truyền thống của người H’Mông như lễ hội Lồng Tồng, lễ hội Gầu Tào,… Bạn sẽ có dịp tìm hiểu về văn hóa và phong tục tập quán của người H’Mông.
Bản Cát Cát vào những ngày nắng
Nếu muốn tránh khoảng thời gian đông khách du lịch tại đây, bạn có thể cân nhắc đến bản Cát Cát vào mùa đông (từ tháng 11 đến tháng 3). Thời tiết lúc này sẽ lạnh, nhưng bạn vẫn có thể chiêm ngưỡng khung cảnh tuyệt đẹp của núi rừng Tây Bắc và tận hưởng không khí trong lành, yên tĩnh của bản làng.
NHỮNG TRẢI NGHIỆM THÚ VỊ KHI DU LỊCH BẢN CÁT CÁT
Khám phá bản làng người H’Mông
Bản Cát Cát thu hút khách du lịch bởi những nét văn hóa truyền thống lâu đời của người H’Mông. Hãy dừng chân ngay cổng làng, nơi còn lưu giữ nghề dệt vải thổ cẩm thủ công cũng như nghề trồng lanh, đan lát, thêu tranh, rèn nông cụ và nghề chế tác đồ trang sức bằng bạc. Bạn có thể tận mắt theo dõi người dân trực tiếp thao tác cũng như hòa mình trải nghiệm những nghề truyền thống này.
Nghề vẽ sáp ong. Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn
Nếu đi sâu vào trong làng, vẻ đẹp thiên nhiên của bản Cát Cát hiện ra rõ nét hơn, với ruộng bậc thang, những con suối nhỏ quanh làng, thác nước, và cả những guồng nước khổng lồ.
Người dân bản Cát Cát cùng du khách nhảy sạp. Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn
Dạo bước trên con đường lát đá qua bản làng
Con đường lát đá dẫn vào bản từ cổng làng, có hai bên là những gian hàng nhỏ bán đồ lưu niệm, và có cả dịch vụ cho thuê trang phục thổ cẩm và phụ kiện của người H’Mông để chụp ảnh.
Thuê trang phục và thỏa sức “sống ảo”
Chèo thuyền trên suối
Đến khu trung tâm của bản Cát Cát, có một hoạt động thú vị mà bạn không thể bỏ qua là chèo thuyền trên suối. Một chiếc thuyền nhỏ được làm từ các ống tre nối với nhau sẽ khiến bạn thích thú. Bạn cũng có thể chụp ảnh bên suối trong trang phục thổ cẩm.
Trung tâm Cát Cát là nơi hội tụ của những dòng suối. Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn
Chèo thuyền trên suối. Ảnh: Fb Bản Cát Cát – Cat Cat Village
Mua sắm những món đồ độc đáo
Trong hành trình khám phá bản làng, du khách có thể thỏa thích mua sắm vô số món đồ lưu niệm lạ mắt như trang sức bạc, quần áo vải thổ cẩm, đồ chơi bằng gỗ đến đặc sản địa phương.
Ngắm nhìn thác Tiên Sa và ruộng bậc thang hùng vĩ
Thác Tiên Sa là điểm du lịch nổi tiếng tại khu vực bản Cát Cát. Khi đứng dưới chân thác, bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt diệu và cuốn hút bởi tiếng ào ào của dòng nước. Đây là dòng thác được bắt nguồn từ dãy Hoàng Liên Sơn. Dòng nước chảy qua thác tạo nên khung cảnh thơ mộng và lãng mạn. Ngắm nhìn dòng nước chảy từ thác xuống, ta có cảm giác thư thái giữa không gian núi rừng Tây Bắc.
Thác Tiên Sa. Ảnh: @phoenix.2111
Nhìn từ trên cao, bản Cát Cát như được bao bọc bởi những thửa ruộng bậc thang uốn quanh sườn đồi. Thời điểm đẹp nhất để ngắm ruộng bậc thang nơi đây là vào mùa nước đổ và mùa lúa chín. Mùa nước đổ sẽ rơi vào tháng 4, tháng 5 và mùa lúa chín trong khoảng tháng 8 – tháng 9.
Ngắm nhìn ruộng bậc thang
Khám phá các địa điểm “sống ảo” trong khu du lịch
Bản Cát Cát được mệnh danh là “ngôi làng đẹp nhất Tây Bắc”, vì thế đây cũng là địa điểm lý tưởng cho các tín đồ sống ảo. Bạn có thể thuê những bộ trang phục dân tộc ở đầu bản và thỏa sức chụp ảnh với nhiều “background” như: ruộng bậc thang, khu vực tổ chim khổng lồ, vườn hoa cúc, cây tơ hồng, chiếc võng bằng vải dệt, vườn hoa hồng, mái nhà gỗ…
Nhiều góc sống ảo thú vị
Thưởng thức món ăn địa phương
Xung quanh khu du lịch có khá nhiều hàng quán, nơi bạn có thể thưởng thức những món ăn bản địa đặc trưng của người H’Mông. Trong đó, những món được người dân địa phương ưa thích là rượu ngô, thịt sấy “Khăng Gai”, tiết canh gà, bánh ngô,… Ngoài ra, đừng bỏ qua món thắng cố và đậu xị hấp dẫn bởi cách chế biến và hương vị mới lạ. Ngoài ra, nếu có dịp, hãy ghé thăm nhà người dân H’Mông, chắc chắn bạn sẽ được khám phá ẩm thực Sapa nhiều hơn nữa.
Thưởng thức ẩm thực và chiêm ngưỡng bản làng. Ảnh: Fb Bản Cát Cát – Nhà Hàng Dũng Thu
Món lợn mẹt hấp dẫn
GIÁ VÉ THAM QUAN VÀ MỘT SỐ CHI PHÍ KHÁC
Để tham quan, trải nghiệm những hoạt động văn hóa bản địa đặc sắc tại bản Cát Cát, du khách cần phải mua vé vào cổng:
- Người lớn: 150.000 VNĐ/lượt.
- Trẻ em cao từ 1m đến 1,3m: 100.000 VNĐ/lượt.
- Trẻ em cao dưới 1m: miễn phí.
Giá vé vào cổng này chưa bao gồm các chi phí khác như thuê hướng dẫn viên, thuê phương tiện, mua các mặt hàng thủ công. Bạn có thể chi trả thêm một số khoản phí phát sinh sau đây (mức giá chỉ mang tính tham khảo):
- Chi phí thuê trang phục dân tộc: 50.000 – 150.000 VNĐ/bộ.
- Chi phí ăn uống – thưởng thức ẩm thực: 50.000 – 200.000 VNĐ/người.
- Chi phí nghỉ qua đêm: 250.000 – 3.000.000 VNĐ/người.
*Lưu ý: Bản Cát Cát mở cửa bắt đầu đón khách từ 5h00 sáng và tạm dừng các hoạt động sau 22h00 đêm. Bạn nên sắp xếp thời gian tham quan hợp lý. Hay cũng có thể chọn lưu trú tại các khách sạn/homestay quanh bản làng để tận hưởng không khí về đêm.
Readers' opinions
Other articles
Thị xã Sa Pa: Gặp mặt Kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024)
22/12/2024
Thị xã Sa Pa: Trên 420 triệu đồng ủng hộ "Tết vì người nghèo - Xuân Ất Tỵ" năm 2025
22/12/2024
Thị xã Sa Pa: Gặp mặt trên 50 Chức sắc, Chức việc năm 2024
22/12/2024
Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường kiểm tra tiến độ xây dựng khu tái định cư xã Liên Minh; thăm hỏi, tặng quà gia đình bị thiệt hại do thiên tai tại xã Mường Hoa
22/12/2024
Khu du lịch cộng đồng xã Bản Hồ vào mùa hoa Cúc chi
22/12/2024